Khóm Cầu Đúc: Thơm ngon nức tiếng Hậu Giang

Cách thành phố VỊ Thanh khoảng 10km ven QL61 về hướng Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nằm trên địa bàn xã Tân Tiến và Hoả Tiến, Khóm Cầu Đúc đã có mặt ở vùng đất này hơn 100 năm qua.


Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng). Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không bị thối. Cây khóm Cầu Đúc cao trên 1 mét, trọng lượng 1,5-2kg/trái.
Cây khóm xuất hiện trên mảnh đất Hậu Giang vào năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng (do thực dân Pháp xây) bắt ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và tên “khóm Cầu Đúc” được hình thành từ đó.


Hiện nay, diện tích trồng khóm trên toàn tỉnh Hậu Giang là 1.680 ha, sản lượng thu hoạch 19.152 tấn. Tập trung ở Thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Điều kiện giao thông hàng hóa rất thuận lợi về cả đường thủy và đường bộ.
Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa tháng 4,5.Nếu trồng bằng chồi thân thì 8 – 10 tháng mới xử lý ra hoa, nếu trồng bằng chồi cuống thì 12 tháng mới xử lý ra hoa. Cây khóm là loại cây ra hoa trong giai đoạn ngày ngắn. Việc xử lí ra hoa giúp rải vụ trong năm là điều cần thiết để tránh ứ đọng sản phẩm. Do đó cây khóm cho thu hoạch chính vụ khoảng tháng 2, 3 và nghịch vụ khoảng tháng 7, 8.
Cây khóm được chọn là một trong bốn cây chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Trong thời gian qua được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang” và được Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nguồn giống, vốn để xây dựng các mô hình sản xuất theo qui trình an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất khóm Cầu Đúc theo tiêu chuẩn VietGAP.


Từ năm 2009- 2011 Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hướng dẫn cho HTX Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, Thành phố Vị Thanh. Xây dựng mô hình sản xuất khóm cầu đúc theo tiêu chuẩn VietGap đến tháng 3/2012 Trung tâm chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng 6 cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn vietGap với diện tích là 6ha/7 hộ.
Trong thời gian tới tỉnh sẽ đầu tư cho vùng khóm Cầu Đúc về cải tạo đất trồng, xây dựng đê bao khép kín để tránh ngập úng. Chuyển giao khoa học kỹ thuật xuống cho bà con. Có thể thành lập một vài cơ sở hay nhà máy chế biến có đủ khả năng tiêu thụ các sản phẩm từ cây khóm địa phương.
Hiện tại, Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã lập dự án quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại vùng Khóm Cầu Đúc. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho những ai thích khám phá và trải nghiệm.
Nguyễn Duy Tân

(Website Hội chợ 10 năm tỉnh Hậu Giang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *