Vài năm gần đây, nhiều hộ nông dân ĐBSCL quyết định chuyển từ hình thức trồng nấm rơm ngoài trời sang trồng trong nhà. Bởi cách làm này có nhiều lợi thế về năng suất và ưu điểm hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào SX lúa giống. Cách nay hơn 1 năm, tôi được Trạm Khuyến nông huyện Thoại Sơn tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ 30% kinh phí để thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm trong nhà, thấy hiệu quả nên tôi tiếp tục SX đến giờ”.
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà đang mang lại hiệu quả cao.
Để trồng nấm rơm trong nhà phải trải qua nhiều công đoạn từ thiết kế kệ để, ủ rơm, đảo rơm, hệ thống phun tưới… Đang thu hoạch nấm rơm trong trại, ông Tùng nói: “Trại trồng nấm tốt nhất là được lợp bằng lá, xung quanh che chắn bằng bạt, giàn trồng nấm được làm bằng tre, mỗi giàn có 3 kệ, khoảng cách mỗi kệ cách nhau 50 cm, bề rộng 80 cm.
Trồng nấm rơm trong nhà có nhiều ưu điểm hơn trồng ngoài trời, có thể điều chỉnh nhiệt độ bằng cách tưới nước trên nền sàn và lớp vải bạt được che chắn xung quanh. Còn nếu nhiệt độ lạnh thì mở tấm mê ca trên nóc trại và bạt xung quanh để cho ánh nắng vào. Đối với nấm rơm nhiệt độ thích hợp nhất là 30 – 35 độ C, ẩm độ 80 – 90%. Vào ban đêm trời lạnh thì sử dụng đèn tròn loại 70W để sưởi ấm”.
Ngoài việc SX theo mô hình trồng nấm trong nhà, ông Tùng còn chọn hướng canh tác theo những thời điểm nấm có giá trong năm để tăng lợi nhuận. “Trồng nấm trong nhà năng suất cao nhất là vụ đông xuân vì rơm chất lượng, thời tiết và độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển. Các tháng giêng, tháng 7, 10, dịp Tết giá nấm từ 80.000 – 100.000 đ/kg nên tôi chọn vào thời điểm này SX với số lượng nhiều, các tháng còn lại SX nhỏ lẻ”, ông chia sẻ.
Mặc dù, trồng nấm trong nhà chi phí cao hơn so với trồng nấm ngoài trời, nhưng năng suất nấm luôn đứng ở mức cao và ổn định. Vẫn có thể dự trữ rơm để làm cả mùa nắng, lẫn mùa mưa. Trời lạnh thì các hộ trồng nấm làm mô rộng và cao 38 cm, còn khi nóng thì 30 cm. Theo ước tính, chi phí mua rơm, vận chuyển, meo, phân bón, công lao động… từ 400.000 – 500.000 đ/công rơm, trừ chi phí cho lợi nhuận 1,5 – 2 triệu đồng/công (chưa tính tiền cất trại).
Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu là làm lúa giống, ngoài ra ông Tùng còn được thử nghiệm trồng nấm bào ngư, nấm rơm, nấm mèo. Nhưng thấy nấm rơm cho hiệu quả hơn nên chọn nấm rơm.
Một số kỹ thuật cần lưu ý khi trồng nấm rơm trong nhà
Cách đây vài năm, phong trào trồng nấm rơm phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở huyện Mộ Đức (với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia, chủ yếu ở các xã Đức Nhuận, Đức Hòa và Đức Lân). Sau một thời gian thực hiện, tuy có nhiều hộ thành công đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng có không ít hộ thất bại, phải bỏ nghề. Một trong những nguyên nhân chính là do bà con thực hiện yếu tố kỹ thuật chưa nghiêm túc.
“Trồng nấm rơm không tốn nhiều tiền đầu tư nguyên liệu, nhanh thu hoạch, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhất là vào ngày rằm, mồng một. Tuy nhiên để trồng nấm đạt năng suất cao và chất lượng nấm tốt thì phải đảm bảo 3 yếu tố. Đó là xử lý nguyên liệu trước khi cấy meo giống, chất lượng giống và nhiệt độ trong nhà nấm,…” Đó là kinh nghiệm được đúc kết qua 6 năm làm nghề nấm của ông Nguyễn Văn Bốn (ở thôn 2, Đức Nhuận).